[You must be registered and logged in to see this image.]Năm 2010 khép lại với kỷ lục mới của dòng vốn nước ngoài mua vào cổ phiếu trên thị trưởng niêm yết, đạt mức trên 16,1 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh các quỹ thâm niêm “kẹt” cửa huy động vốn mới, đây là bằng chứng rõ ràng về dòng vốn từ bên ngoài đang chảy vào.
Vốn nóng vào đâu?
Thống kê chung cả HNX và HOSE với các giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ, không tính trái phiếu, tổng lượng vốn mua ròng trong năm 2010 của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16.145,87 tỷ đồng. Đây là quy mô vốn vào tăng rất đáng chú ý so với mức 3.372,83 tỷ đồng của năm 2009. Mức mua ròng năm nay chỉ đứng sau kỷ lục hơn 23 nghìn tỷ đồng của năm 2007.
Tỉ trọng vốn vào vẫn mất cân đối nghiêm trọng giữa hai sàn. Năm nay, vốn ròng vào HNX chỉ có 891,45 tỷ đồng, chiếm 5,52% tổng lượng vốn. Năm 2009, tỉ trọng vốn ròng vào HNX khoảng 1,42%.
Khó để phân loại nhóm cổ phiếu theo ngành nghề nào nhận được dòng vốn nóng này nhiều nhất. Dường như quy mô vốn hóa và mức độ thanh khoản được nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều hơn. Đa số các cổ phiếu đủ tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực tài chính, bất động sản. Việc dòng vốn này chảy phần lớn vào HOSE cũng do nguyên nhân vốn hóa: Sàn HNX chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thanh khoản cũng kém hơn nhiều.
Phương thức giao dịch khớp lệnh cũng là kênh rót vốn chủ yếu của nhà đầu tư nước ngoài. Tính riêng tại HOSE, trong tổng giá trị vốn mua ròng hơn 15,25 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn ròng qua các giao dịch khớp lệnh đạt hơn 13,44 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 88% tổng giá trị. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1,81 nghìn tỷ đồng.
Các giao dịch khớp lệnh cũng là phương thức tác động đến diễn biến giá cổ phiếu. Tính theo khối lượng, 5 mã được khối ngoại tích lũy ròng lớn nhất trong năm qua tại HOSE là HAG (23,81 triệu cổ phiếu), KBC (21,33 triệu), BVH (20,15 triệu), SSI (19,42 triệu) và OGC (18,77 triệu). Trong số này, OGC mặc dù chỉ được giao dịch 172 phiên do lên sàn muộn trong năm nay nhưng khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài lại lớn hơn nhiều các mã “thâm niên” khác.
Top 3 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất về khối lượng là VSH (8,02 triệu cổ phiếu), VIP (5,33 triệu) và VTO (3,89 triệu). Xét về khối lượng, VIC cũng là mã bị bán nhiều qua khớp lệnh (3,76 triệu cổ phiếu) nhưng thực vốn mua ròng vẫn dương vì tính thời điểm. Giao dịch mua mạnh nhất của khối ngoại với VIC tập trung vào tháng 3 và tháng 4/2010, thời điểm VIC còn chưa điều chỉnh giá (trên 100.000 đồng) trong khi các giao dịch bán ròng mạnh tại tập trung vào thời điểm tháng 9 khi VIC giảm xuống mức thấp nhất trong năm, khoảng 50.000 đồng – 60.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, VIC có giao dịch thỏa thuận cực lớn vào ngày 10/12 vừa qua với lượng vốn ròng gần 1,6 nghìn tỷ đồng.
Cuộc chơi chỉ số
Một điểm khá nổi bật của thị trường năm 2010 là tình trạng đi ngang trong thời gian rất dài của chỉ số giá. Tính theo VN-Index thì năm 2010 chỉ dao động giảm có 2,04% so với thời điểm 31/12/2009. Đặc biệt từ tháng 9 đến nay, chỉ số bị tác động rất mạnh bởi các cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong đó không thể không nhắc tới BVH, VIC và MSN.
Liên tiếp trong rất nhiều phiên giao dịch, bộ ba cổ phiếu này tác động đáng kể đến mức tăng giảm của VN-Index. Thống kê từ tháng 9 đến nay, gần như nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng giao dịch chi phối trong thanh khoản hàng ngày của 3 mã. Chẳng hạn với BVH, khối ngoại luôn đóng góp trên 90% tổng khối lượng giao dịch mỗi ngày. BVH cũng là một hiện tượng khó lý giải từ góc độ cơ bản khi giá tăng chóng mặt 4 tháng qua. Đối với nhà đầu tư trong nước, BVH là cổ phiếu chẳng có gì hấp dẫn, thậm chí trong quá khứ cũng không có tính đầu cơ cao. Vốn hóa quá lớn là điều khiến họ e ngại.
Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hóa lớn lại là công cụ tốt để điều tiết chỉ số. Các thông tin gần đây khá rầm rộ về nhiều quỹ đầu tư theo chỉ số đang hoạt động ngày càng tích ở Việt Nam. Một trong những đặc điểm của dạng quỹ này là danh mục biến động sát với Index và tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư cũng tương đương với tỉ trọng của cổ phiếu đó trong rổ tính Index.
Trong khi các quỹ đầu tư trong nước nói chung vẫn đang chật vật với nguồn tiền mặt ít ỏi, vô phương huy động vốn mới trong năm 2010 thì dòng vốn ngoại mua ròng lại tăng lên chóng mặt. Do đó không hiếm ý kiến nghi ngờ dòng vốn mới này chảy vào qua các kênh ủy thác của tổ chức đa quốc gia. Không rõ dòng vốn chảy vào vì sự hấp dẫn của giá trị cổ phiếu hay vì quy mô thị trường có khả năng điều tiết dễ dàng?