Trong lần thi hội, Cống Quỳnh không có ý định ứng thí, nhưng vì nể lời chúa Trịnh ép đi thi để lấyTrạng Nguyên, nên Quỳnh nhận lời.
Lúc vào trường thi, Quỳnh làm bài rất nhanh, xong sớm trước nhiều thí sinh khác. Lẽ ra Quỳnh đem nộp quyển, nhưng vì chẳng biết chuyện đỗ đạt, nên táy máy giở bài ra xem lại. Thấy có một đoạn giấy trắng bên dưới, Quỳnh liền chấm bút vẽ ngay một bầy voi, rồi tiện tay đề luôn bên cạnh mấy câu thơ ngẫu hứng:
Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm chi, chẳng vẽ voi,
Tớ có một điều xin bảo thật
Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi.
Quỳnh làm như vậy là cố ý chọc tức quan chủ khảo, họ sẽ điên tiết lên khi đọc những dòng này và sẽ đánh hỏng Quỳnh với tội "phạm trường quy." Thật ra, Quỳnh đâu cần sự thăng quan tiến chức.
Lúc ấy, có viên giám thị đi theo dõi. Liếc thấy bài thơ tứ tuyệt ngạo mạn của Quỳnh, bèn chạy đi báo với quan giám khảo. Quan sơ khảo và quan phúc giám khảo rón rén đến dòm thử, thì quả đúng như vậy. Quỳnh biết các hành động của ban giám khảo, nhưng cứ tảng lờ coi như không. Đợi đến lúc các quan trường xúm lại đông đảo, Quỳnh mới đưa bút viết tiếp hai câu thơ nữa vịnh bức tranh voi vừa vẽ:
Voi mẹ, voi con, voi lúc nhúc
Chú sơ, chú phúc, rúc mà coi.
Đám quan viên lúc này cảm thấy sượng sùng nên bấm nhau rút lẹ. Đứng lâu ở đó e không khéo lại bị Quỳnh chơi khăm, mất mặt nữa.